menu

Vi phạm giao thông mà không ký biên bản thì CSGT có được xử phạt không?

08:39 - 18/05/2022

Độc giả Phạm Văn Trương (42 tuổi) có gửi thắc mắc về việc không ký vào biên bản do CSGT lập cho mình về lỗi vi phạm chạy quá tốc độ. Dưới đây sẽ là câu trả lời cụ thể và chi tiết của Tinxe.

Không ít tình huống người vi phạm giao thông không ký vào biên bản xác nhận do cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu với suy nghĩ là tránh phiền phức và phải nộp phạt. Tuy nhiên, nếu có hành vi trên bạn vẫn sẽ phải nộp phạt bình thường, thậm chí là còn mất thêm nhiều thời gian để giải quyết vụ việc hơn.

Liên quan đến tình huống của độc giả Phạm Văn Trương có hỏi "Tôi bị CSGT dừng xe và yêu cầu kiểm tra giấy tờ, xử phạt do chạy quá tốc độ 12 km/h. Nhưng vì lo lắng và không muốn nộp phạt nên tôi đã không ký vào biên bản mà CSGT đã lập. Tôi muốn hỏi là không ký vào biên bản thì có bị nộp phạt không? CSGT căn cứ vào đâu để xử phạt?"

Không ký biên bản xử lý vi phạm vẫn phải nộp tiền phạt như bình thường.

Không ký biên bản xử lý vi phạm vẫn phải nộp tiền phạt như bình thường.

Trả lời câu hỏi của bạn, căn cứ theo quy định mới nhất tại Khoản 29 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 và Khoản 3 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, nếu người vi phạm không ký vào biên bản vi phạm giao thông thì CSGT sẽ lấy chữ ký đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc người vi phạm không ký vào biên bản.

Trong trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì CSGT lập biên bản sẽ phải ghi rõ lý do vào biên bản đã lập.

Theo đó, dù không ký vào biên bản thì người vi phạm giao thông vẫn sẽ phải nộp tiền. Khi nộp phạt, làm thủ tục để lấy giấy tờ và phương tiện về, bạn còn phải làm một bản tường trình nêu rõ thông tin về bản thân; thông tin xe; quá trình vi phạm; xử lý ở đâu; thời gian nào; lý do không ký và không lấy biên bản xử phạt. Sau đó mang bản tường trình ra Công an cấp xã xin xác nhận.

Tiếp theo, bạn mang bản tường trình đã được xác nhận cùng các giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe đến đơn vị CSGT đang tạm giữ phương tiện, giấy tờ của bạn để làm thủ tục nộp phạt. 

Ở trường hợp của bạn là vượt quá tốc độ cho phép 12 km/h, tuy nhiên bạn không nói rõ điều khiển phương tiện gì nên sẽ có mức phạt như sau:

- Đối với ô tô: Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng với trường hợp điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10 - 20 km/h (theo điểm đ, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123). Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 01 - 03 tháng (Điểm b, Khoản 11, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Đối với xe máy: Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng khi vi phạm chạy quá tốc độ quy định từ 10 - 20 km/h (Điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

>>> Xem thêm: Những vi phạm giao thông bị nâng mức phạt trong năm 2022 mà chủ xe nào cũng phải biết

Như vậy, việc bạn không ký biên bản vẫn phải nộp phạt. Tuy nhiên, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP không có quy định nào về việc cố tình không ký vào biên bản xử phạt sẽ bị xử lý thêm về lỗi khác. Nên bạn sẽ chỉ cần làm theo đúng trình tự và nộp phạt theo đúng sai phạm ban đầu.

Đánh giá: