menu

Có thể bạn chưa biết: Gặp vạch mắt võng mà không "vượt" đèn đỏ sẽ bị xử phạt

13:37 - 16/05/2022

Không ít người vẫn còn mơ hồ về vạch kẻ mắt võng. Nếu gặp đèn đỏ ở khu vực có vạch mắt võng thì nên đi như thế nào? Đi sai có bị phạt tiền không? Tinxe sẽ giải đáp trong bài viết chi tiết sau.

Nhiều người nghĩ rằng cứ đèn đỏ là phải dừng lại, song có nhiều trường hợp bạn có thể yên tâm vượt mà không lo bị CSGT "tóm" và xử phạt. Trong đó, nếu gặp vạch kẻ mắt võng, bạn bắt buộc phải vượt đèn đỏ và không được phép dừng lại.

Quy định về vạch mắt võng

Theo quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT quy định, vạch kẻ kiểu mắt võng có màu vàng, gồm các vạch đan xen với nhau và được bố trí ở làn xe trong cùng của đường đi.

Vạch kẻ mắt võng để thông báo cho người điều khiển phương tiện không được dừng xe trong phạm vi phần mặt đường này, nhằm tránh ùn tắc giao thông.

Vạch mắt võng báo cho người tham gia giao thông tiếp tục di chuyển, tránh ùn tắc đường.

Vạch mắt võng báo cho người tham gia giao thông tiếp tục di chuyển, tránh ùn tắc đường.

Cách điều khiển phương tiện đi qua vạch mắt võng

Nếu thấy vạch kẻ mắt võng thì các phương tiện không được phép dừng lại ở khu vực này mà phải tiếp tục di chuyển. Việc di chuyển sẽ được chia thành 2 trường hợp:

- Vạch mắt võng đi kèm mũi tên xác định hướng phải đi: Người điều khiển phương tiện phải đi theo hướng mũi tên. Ví dụ, mũi tên rẽ phải thì xe bắt buộc rẽ phải, không được phép đi thẳng hay dừng đỗ. Nếu đi sai mũi tên sẽ bị coi là không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.

- Vạch mắt võng không có mũi tên chỉ hướng: Nếu gặp vạch kẻ này và đèn tín hiệu xanh thì phương tiện giao thông được phép đi thẳng. Nếu gặp đèn đỏ mà dừng xe tại vạch mắt võng sẽ bị coi là vi phạm không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.

Nếu dừng đèn đỏ ở vạch mắt võng sẽ bị phạt bao nhiêu?

Nếu đi sai quy định ở phần đường có vạch mắt võng, người điều khiển sẽ bị phạt theo lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường, cụ thể mức phạt như sau:

- Đối với ô tô: Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng (Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 100 được sửa đổi tại Nghị định 123/2019/NĐ-CP). Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm c, Khoản 11, Điều 5, Nghị định 100).

- Đối với xe máy: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng (Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 100). Ngoài ra, người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông, theo Điểm c, Khoản 10, Điều 6.

Dừng ở vạch mắt võng sẽ bị xử phạt theo lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường.

Dừng ở vạch mắt võng sẽ bị xử phạt theo lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường.

>>> Xem thêm: Phân biệt lỗi sai làn và không tuân thủ vạch kẻ đường để tránh bị phạt oan

Những trường hợp được vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt

Lỗi vượt đèn đỏ đối với ô tô sẽ bị xử phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng; xe máy phạt tiền từ từ 800.000 - 1.000.000 đồng. Cả xe máy và ô tô đều bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước GPLX từ 1 - 3 tháng. Nhưng ngoài trường hợp gặp vạch mắt võng thì bạn vẫn được vượt đèn đỏ trong những tình huống sau đây.

Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Điều này thì chắc hẳn ai cũng biết. Khi tham gia giao thông mà người điều khiển giao thông (CSGT) có hiệu lệnh cho phép di chuyển thì bạn có thể tiếp tục đi mà không cần quan tâm đến đèn tín hiệu xanh hay đỏ. Khoản 2, Điều 11 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: "Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông".

Có đèn tín hiệu, biển báo cho phép tiếp tục đi

Khi có đèn tín hiệu ưu tiên hoặc biển báo phụ cho phép người tham gia giao thông được phép rẽ phải, rẽ trái hoặc đi thẳng dù có đèn đỏ. Trong đó:

- Đèn tín hiệu ưu tiên lắp kèm theo đèn tín hiệu giao thông thông thường chuyển màu xanh, các phương tiện được rẽ phải hoặc trái theo hướng mũi tên.

- Biển phụ đặt dưới cột đèn giao thông cho phép xe được đi thẳng, rẽ phải hoặc rẽ trái khi gặp đèn đỏ.

Trường hợp được vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt

Trường hợp được vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt

Tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ trước khi đến đèn tín hiệu giao thông

Nếu gặp tiểu đảo phân luồng, người điều khiển phương tiện có thể tiếp tục rẽ phải dù đèn tín hiệu xanh hay đỏ.

Vượt đèn đỏ khi có tình huống đặc biệt

Người điều khiển phạm lỗi vượt đèn đỏ sẽ không bị xử phạt trong một số trường hợp được nêu trong Điều 11 của Luật xử lý vi phạm hành chính, gồm:

- Vượt đèn đỏ trong tình thế cấp thiết;

- Vượt đèn đỏ do phòng vệ chính đáng;

- Vượt đèn đỏ do sự kiện bất ngờ;

- Vượt đèn đỏ do sự kiện bất khả kháng;

- Người vi phạm không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm chưa đủ tuổi xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Như vậy trong trường hợp thấy đèn đỏ mà không vượt như gặp vạch kẻ đường mắt võng thì bạn còn bị xử phạt. Do đó, việc nắm rõ quy định pháp luật, cụ thể là trường hợp vượt đèn đỏ không bị phạt, sẽ giúp bạn tham gia giao thông hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian di chuyển và tránh bị xử phạt không đáng có.

Đánh giá: