menu

Toyota và Volkswagen gặp rắc rối vì làn sóng lây nhiễm Covid-19 mạnh nhất tại Trung Quốc trong 2 năm qua

13:20 - 15/03/2022

Do ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm Covid-19 mạnh nhất tại Trung Quốc trong vòng 2 năm qua, Volkswagen và Toyota đã phải đóng cửa nhà máy ở thành phố Trường Xuân.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, vào hôm 13/3/2022 vừa qua, nước này ghi nhận gần 3.400 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, số ca có triệu chứng là 1.938 ca, tăng gấp 3 lần. Con số tương ứng của số ca không có triệu chứng là 1.455 ca.

Như vậy, Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mạnh nhất trong vòng 2 năm qua. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định phong tỏa thành phố Thâm Quyến, nơi có 17,5 triệu người dân đang sinh sống. Toàn bộ các ngành kinh doanh tại thành phố này, trừ thực phẩm, nhiên liệu và những mặt hàng thiết yếu khác, đều phải đóng cửa hoặc làm việc tại nhà từ ngày 14/3/2022. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn ra lệnh hạn chế ra/vào thành phố Thượng Hải bằng cách ngừng các tuyến xe buýt.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn so với những nơi khác, ví dụ như Hồng Kông với 32.000 ca vào hôm 13/3. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn áp dụng chiến lược "không khoan nhượng" và đóng cửa nhiều thành phố như Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) hay Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm) để truy vết cũng như cách ly người nhiễm.

Thâm Quyến hiện là nơi đặt nhà máy của nhiều công ty lớn, trong đó có hãng ô tô BYD. Trong khi đó, liên doanh của Toyota và Volkswagen với hãng xe nội địa FAW lại đặt ở thành phố Trường Xuân. Điều này khiến các hãng xe kể trên phải tạm thời đóng cửa nhà máy theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, nhà máy của Toyota ở thành phố Thiên Tân chưa bị ảnh hưởng.

Tương tự như vậy, Foxconn - công ty cung cấp linh kiện cho liên minh ô tô Stellantis - cũng phải "đóng băng" các hoạt động tại thành phố Thâm Quyến. Theo một nguồn tin nội bộ, Foxconn có thể tiếp tục hoạt động nếu tạo ra hệ thống "quản lý đóng kín". Đây là hệ thống cho phép nhân viên sống và làm việc trong lồng kính riêng. Việc tạm ngừng hoạt động này dự kiến sẽ có tác động lâu dài vì các nhà máy sẽ phải giải quyết đơn hàng bị ùn ứ sau khi hoạt động trở lại.

Có vẻ như 2022 sẽ là một năm khó khăn đối với tập đoàn Toyota. Không chỉ phải tạm thời đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc, Toyota còn cắt giảm sản lượng tại Nhật Bản vì thiếu linh kiện. Theo tờ Reuters, hãng Toyota sẽ giảm khoảng 20% sản lượng tại các nhà máy ở Nhật Bản trong tháng 4, giảm 10% trong tháng 5 và 5% trong tháng 6 năm nay. Toyota làm như vậy là để giảm áp lực lên các nhà cung cấp linh kiện hiện đang gặp khó khăn vì thiếu chip bán dẫn và những phụ tùng ô tô khác.

Vào hồi đầu tháng 3 năm nay, Toyota cũng từng phải ngừng sản xuất tại nhà máy ở Nhật Bản vì bị tin tặc tấn công. Bất chấp những khó khăn, tập đoàn này vẫn đặt mục tiêu sản xuất 11 triệu chiếc ô tô trong năm tài khóa 2022 kết thúc vào tháng 3 năm sau.

Đánh giá: