menu

Cột đèn tín hiệu giao thông gãy đổ sớm hơn dự kiến vì bị chó "trút bầu tâm sự" quá nhiều

18:12 - 14/07/2021

Cột đèn tín hiệu giao thông này có tuổi thọ dự kiến 50 năm nhưng sau 23 năm đã bị gãy vì thường xuyên bị những chú chó dùng làm nơi "trút bầu tâm sự".

Vào khoảng 7 giờ 45 phút sáng ngày 18/2/2021, một cột đèn tín hiệu giao thông bằng sắt nằm ở đoạn giao giữa 3 con đường của thành phố Suzuka, tỉnh Mie, Nhật Bản, đã bất ngờ bị gãy đổ. Rất may, cột đèn này không đổ trúng ai nên không có thương vong về người trong sự việc này.

Cột đèn tín hiệu giao thông bị gãy đổ vào hồi tháng 2 đầu năm nay

Cột đèn tín hiệu giao thông bị gãy đổ vào hồi tháng 2 đầu năm nay

Lực lượng cảnh sát địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường vụ việc để điều tra. Thông thường, cột đèn tín hiệu giao thông bằng sắt tại Nhật Bản có tuổi thọ khoảng 50 năm. Tuy nhiên, cột đèn tín hiệu giao thông kể trên đã bị gãy đổ chỉ sau 23 năm sử dụng. Do đó, Viện nghiên cứu điều tra khoa học của Sở cảnh sát tỉnh Mie đã đưa cột đèn tín hiệu giao thông này về phòng thí nghiệm để phân tích nguyên nhân bị gãy đổ.

Mãi đến hôm 13/6/2021 vừa qua, lực lượng cảnh sát tỉnh Mie mới công bố kết quả phân tích. Sau quá trình xét nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện hàm lượng ure trong đất ở nơi cắm cột đèn tín hiệu giao thông này cao gấp 42 lần so với những khu vực xung quanh. Ngoài ra, lượng ure trên cột đèn còn cao hơn 8 lần so với bình thường.

Đất ở nơi cắm cột đèn này có hàm lượng ure cao gấp 42 lần so với khu vực xung quanh

Đất ở nơi cắm cột đèn này có hàm lượng ure cao gấp 42 lần so với khu vực xung quanh

Không chỉ xét nghiệm, cảnh sát thành phố Sakura còn tiến hành quan sát thực tế tại khu vực cột đèn bị gãy. Trong quá trình quan sát, cảnh sát thấy rằng cột đèn tín hiệu giao thông này vốn nằm trên đoạn đường mà người dân thường dắt chó đi dạo. Ngay cả cột đèn mới được dựng lên để thay thế cũng bị những chú chó dùng làm nơi "giải quyết nỗi buồn".

Theo cảnh sát thành phố Sakura, không có vấn đề gì với vật liệu và cách lắp đặt cột đèn tín hiệu giao thông này. Vì thế, lực lượng chức năng cho rằng nhiều khả năng cột đèn tín hiệu giao thông đã bị gãy sau một thời gian dài bị những chú chó "trút bầu tâm sự". Chính axit uric trong nước tiểu của những chú chó đã khiến cột đèn này bị ăn mòn và gãy đổ.

"Chỉ cần một lượng nhỏ nước tiểu cũng có thể tác động mạnh đến cơ sở vật chất công cộng nếu liên tục diễn ra trong một thời gian dài", ông Takahashi Koji, giám đốc ban Giao thông thuộc Sở cảnh sát tỉnh Mie, phát biểu. "Người dân nên cho chó đi vệ sinh trước rồi mới dắt đi dạo".

Đánh giá: