menu

Hệ thống EBD là gì, có vai trò như thế nào trên ô tô?

10:56 - 21/08/2022

Hệ thống EBD hiện nay đang dần trở thành một trong những trang bị tiêu chuẩn cho các mẫu xe ô tô đời mới, với vai trò giúp phanh xe hiệu quả và ổn định hơn, từ đó tăng tính an toàn khi di chuyển.

Hệ thống EBD là gì?

Hệ thống EBD (viết tắt của Electronic Brake-force Distribution) có nghĩa là hay hệ thống phân phối lực phanh điện tử. Cùng với hệ thống chống bó cứng phanh ABS và hỗ trợ phanh khẩn cấp BA, hệ thống EBD được đánh giá là những công nghệ an toàn cần thiết để tăng hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo tính an toàn của phanh ô tô, đặc biệt trong những tình huống phanh gấp.

Hệ thống EBD giúp quãng đường phanh xe ngắn hơn

Hệ thống EBD giúp phân bổ lực phanh đều lên các bánh xe giúp xe bám đường tốt hơn và rút ngắn quãng đường phanh.

Vai trò của hệ thống EBD trên xe ô tô là phân phối lực phanh phù hợp lên các bánh xe dựa trên các tín hiệu cảm biến, từ đó giảm thiểu tình trạng bánh xe bị trượt và giảm bớt quãng đường phanh.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống EBD

Nguyên lý hoạt động của hệ thống EBD

Nguyên lý hoạt động của hệ thống EBD.

Hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD chủ yếu bao gồm các loại cảm biến như sau:

  • Cảm biến tốc độ các bánh xe
  • Cảm biến bộ điều khiển trung tâm ECU
  • Cảm biến tốc độ xe
  • Cảm biến gia tốc ngang để đo trọng tâm xe và kiểm tra độ trượt bề ngang
  • Cảm biến tải trọng để phân bổ lực phanh thích hợp
  • Cảm biến góc tay lái
  • Van điều khiển thủy lực điều chỉnh lưu lượng dầu cho từng bánh xe

Trong trường hợp phanh gấp, trọng lượng xe theo quán tính sẽ đổ dồn về phía trước và như vậy, 2 bánh trước sẽ chịu áp lực trọng tải lớn. Để đảm bảo an toàn, nhà sản xuất ô tô đã tính toán sao cho lực phanh phân phối nhiều hơn ở bánh trước thông qua van tiết lưu, tuy nhiên điều này chỉ đạt hiệu quả khi xe di chuyển trên đường phẳng. Còn khi xe phanh gấp trên cung đường gồ ghề hay vào cua thì tải trọng lại tác động nhiều lên 2 bánh xe sau nên tính toán trên lại không phù hợp.

Chính vì vậy, hệ thống EBD ra đời để đảm bảo tính an toàn khi phanh xe trong nhiều điều kiện về địa hình, tải trọng khác nhau. Theo các chuyên gia tư vấn kỹ thuật ô tô, dựa trên các cảm biến đặt ở 4 bánh xe và phép tính điện tử tự động, hệ thống sẽ phân bổ lực phanh đến các bánh xe một cách hợp lý, giúp việc lái xe an toàn hơn. Cụ thể, khi tải trọng xe dồn về phía trước, bộ điều khiển ECU của xe có trang bị EBD sẽ tự động điều chỉnh cho 2 bánh sau nhận nhiều lực phanh hơn, giúp xe cân bằng, đồng thời đạt hiệu suất phanh cao và rút gọn quãng đường dừng xe khi phanh.

Trong quá trình vận hành, các cảm biến sẽ truyền tín hiệu về ECU để bộ điều khiển trung tâm nhận các thông tin về tốc độ di chuyển, tải trọng xe và độ nghiêng, góc tay lái,... Khi nhận thấy xe bị nghiêng quá mức cho phép, hệ thống EBD sẽ chủ động phân phối lực phanh tương thích đến các bánh xe để tăng độ bám đường, hạn chế tình trạng trượt bánh xe.

Video cách thức hoạt động của hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD trên xe ô tô

Ví dụ, khi xe cua phải và có nguy cơ mất lái, hệ thống EBD sẽ phân bổ lực phanh 2 bánh trái lớn hơn, tương thích với tải trọng xe đang dồn bên phải. Nếu như xe không được trang bị hệ thống EBD thì 2 bánh phải đang nhận lực phanh lớn hơn 2 bánh bên trái do xe đang nghiêng về bên phải, và vì thế xe dễ bị mất cân bằng và bị trượt bánh.

Phân biệt hệ thống EBD và ABS

Hệ thống EBD Hệ thống ABS
Phân phối lực phanh phù hợp đến các bánh xe nhằm tăng độ ổn định, bám đường tốt, rút ngắn quãng đường phanh xe. Chống bó cứng phanh, giúp bánh xe xe không bị trượt khi phanh tuy nhiên lực phanh tại các bánh là khác nhau, không đồng đều.

Thực tế, hệ thống EBD và ABS hoạt động bổ trợ cho nhau nhằm tăng hiệu suất phanh, đồng thời đảm bảo an toàn khi lái xe. Trong trường hợp xe có trang bị EBD, khi phanh xe và các bánh bị bó cứng thì lúc này ABS sẽ can thiệp để bánh xe lấy lại gia tốc và hoạt động trở lại bình thường.

Trong khi đó, hạn chế của hệ thống ABS là lực phanh của các bánh gần như nhau nên khi phanh sẽ hay xảy ra tình trạng có bánh xe thì giảm tải trọng, bánh thì bị tăng tải nên dù phanh xe vẫn lăn thêm 1 đoạn. Lúc này, hệ thống EBD sẽ can thiệp để cân bằng lại lực phanh và làm ngắn quãng đường xe khi phanh.

Hệ thống EBD và ABS hoạt động bổ trợ cho nhau, giúp lái xe an toàn hơn

Hệ thống EBD và ABS hoạt động bổ trợ cho nhau, giúp lái xe an toàn hơn.

Ngoài ra, khi xe chở nhiều hành lý, chủ xe nên chú ý đặt các đồ vật có trọng lượng nặng ở vị trí cố định giữa xe để giúp xe di chuyển cân bằng và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống EBD. Cùng với đó, cần quan sát kỹ và tập trung lái xe với tốc độ hợp lý, đặc biệt khi vào cua hay đi trên đường cao tốc/đường phố đông đúc để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cả những người lưu thông xung quanh.

Đánh giá: