menu

Dung tích xi-lanh là gì? Cách tính dung tích xi-lanh chuẩn xác nhất

11:21 - 14/06/2021

Bài viết này của Tinxe sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc xung quanh cụm từ "dung tích xi-lanh". Mời các bạn cùng theo dõi.

Khi đọc thông số xe hoặc được nghe giới thiệu về thông số xe chắc hẳn các bạn thường thấy cụm từ "dung tính xi-lanh". Tuy nhiên, không mấy ai hiểu được dung tích xi-lanh thực chất là gì và dung tích xi-lanh được tính như thế nào.

Dung tích xi-lanh là gì?

Xi lanh là bộ phận hoạt động chính của động cơ xe, đây cũng là không gian để piston di chuyển và thúc đẩy quá trình đốt cháy nhiên liệu. Một khối động cơ ô tô thường có nhiều xi-lanh và thể tích công tác tổng của tất cả các xi-lanh này được gọi là dung tích xi-lanh (engine displacement).

Dung tích xi-lanh là thông số để người dùng nhận biết được độ lớn của động cơ. Theo đó, dung tích xi-lanh càng lớn thì động cơ hoạt động càng khỏe do chứa được nhiều nhiên liệu. Tất nhiên, đồng nghĩa với điều này chính là xe sẽ tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn.

Dung tích xi lanh là thông số quan trọng nhận biết hiệu suất của động cơ

Dung tích xi-lanh là thông số quan trọng nhận biết hiệu suất của động cơ .

Cụ thể, khi dung tích xi-lanh lớn thì hỗn hợp nhiên liệu đốt cháy trong một đơn vị thời gian sẽ càng lớn, sinh ra công suất mạnh, cũng "ngốn" nhiều nhiên liệu hơn và ngược lại. Trong trường hợp đang phân vân lựa chọn giữa 2 mẫu xe có thông số tương đương nhau, nếu muốn chọn 1 chiếc xe có khả năng vận hành mạnh mẽ, bạn có thể nhìn vào dung tích xi-lanh và hiệu suất hoạt động.

Chúng ta thường thấy các ký hiệu như 1.5, 2.0 hay 2.5 ở vỏ xe nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của nó. Đây chính là ký hiệu dung tích xi-lanh động cơ của xe. Dung tích xi-lanh được tính bằng đơn vị lít (L), hoặc centimet khối (cc/cm3, trong đó, 1.000 cm3 = 1L). Ví dụ, nếu động cơ của 1 chiếc xe có kết cấu 4 xi-lanh và mỗi xi-lanh có dung tích 0.5L thì tổng dung tích xi-lanh của cả khối động cơ đó là 2.0L. Thường thì dung tích xi-lanh sẽ được làm tròn, ví dụ như động cơ xe có dung tích 1.988 cc sẽ thường được làm tròn thành 2.0L.

Ngoài ra, nếu để ý, bạn sẽ thấy bên cạnh con số chỉ dung tích xi lanh còn có các ký hiệu như I4, V8 hay W12. Những ký hiệu này chỉ ra kiểu sắp xếp xi-lanh trong khối động cơ, ví dụ như I4 là 4 xi-lanh xếp thẳng hàng; V8 là 8 xi-lanh được xếp theo hình chữ V; hay W12 là 12 xi lanh xếp theo chữ W. Trong đó, những con số như 4, 8 hay 12 để chỉ số lượng xi-lanh trong động cơ xe.

Dung tích xi lanh được thiết kế phù hợp với kết cấu động cơ của từng loại xe

Dung tích xi-lanh được thiết kế phù hợp với kết cấu động cơ của từng loại xe.

Cách tính dung tích xi-lanh chuẩn xác nhất

Theo các chuyên gia tư vấn kỹ thuật xe, cách tính dung tích xi-lanh động cơ xe chính xác nhất được áp dụng công thức sau:

Vh = π*D2 /4*S​

Trong đó:

  • Vh: Dung tích xi-lanh động cơ
  • π: Pi = 3,14
  • D: Là đường kính của xi-lanh (mm)
  • S: Hành trình của piston (mm), được xác định là khoảng cách của ĐCT (điểm chết trên) và ĐCD (điểm chết dưới)
Cách tính dung tích xi lanh động cơ xe

Cách tính dung tích xi-lanh động cơ xe.

Ngoài ra:

Thể tích toàn bộ xi-lanh (Va) = Vh (thể tích công tác của xi-lanh) + Vc (thể tích buồng cháy của xi-lanh)

Thể tích làm việc của động cơ (Ve) = Vh (thể tích công tác của xi-lanh) * i (số xi-lanh có trong động cơ).

Xem thêm:

Dung tích xi-lanh bao nhiêu là phù hợp?

Khi sản xuất một chiếc xe, hãng sẽ thiết kế dung tích xi-lanh phù hợp với kích thước tổng thể và khả năng vận hành của động cơ. Vì vậy, người sử dụng sẽ thấy có các mẫu xe được tạo ra để di chuyển hàng ngày trong nội đô với khả năng vận hành vừa phải, tiết kiệm nhiên liệu tốt hay có những loại xe động cơ lớn, hiệu suất cao để chạy đường trường hoặc chinh chiến trên các đường đua. Theo Tinxe, thường thì các dòng xe chạy trong thành phố sẽ có dung tích xi-lanh trung bình khoảng 2.0L.

Hoàng Cúc

Đánh giá: