menu

Thời điểm và cách thay nước làm mát ô tô đúng chuẩn

12:06 - 27/07/2022

Tương tự dầu bôi trơn, nước làm mát cũng đóng một vai trò quan trọng với động cơ ô tô. Do đó, cách thay nước làm mát ô tô đúng chuẩn là một trong những điều mà người dùng xe nên tìm hiểu và nắm rõ.

Kiểm tra và thay nước làm mát ô tô là một nhiệm vụ quan trọng nhưng không phải ai cũng biết cách làm. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách thay nước làm mát ô tô sao cho đúng và an toàn.

Nước làm mát động cơ ô tô là gì?

Tương tự dầu bôi trơn, nước làm mát cũng đóng vai trò quan trọng với động cơ ô tô. Nước làm mát là một loại dung dịch chuyên dụng, có thành phần chính là nước cất (nước tinh khiết) và ethylene glycol. Trong đó chất lỏng làm mát, ethylene glycol có tác dụng truyền dẫn nhiệt nhanh chóng. Ngoài ra, nước làm mát ô tô còn có những chất phụ gia khác như chất ngăn ngừa đóng cặn, chống bay hơi và chống ăn mòn các chi tiết làm bằng nhôm.

Nước làm mát ô tô đóng vai trò quan trọng với động cơ

Nước làm mát ô tô đóng vai trò quan trọng với động cơ

>>> Xem thêm: Xe đi bao nhiêu km thì thay nhớt? Ô tô để lâu không chạy có cần thay dầu không?

Vào mùa hè, nước làm mát ô tô có tác dụng tăng điểm sôi của hệ thống làm mát, giúp hấp thụ nhiệt từ động cơ tốt hơn. Vào mùa đông, loại dung dịch này lại có tác dụng hạ thấp điểm đóng băng. Thêm vào đó, nước làm mát còn có tác dụng chống mài mòn cho động cơ và hệ thống làm mát. Từ đó giúp động cơ không bị quá nóng hay đóng băng khi xe vận hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Khi nào cần thay nước làm mát?

Hầu hết ô tô hiện nay đều có bình nước phụ. Khi động cơ nóng, nhiệt độ và áp suất nước trong hệ thống làm mát sẽ tăng lên khiến nước tràn qua bình nước phụ. Khi động cơ nguội, nước trong bình nước phụ sẽ được hút ngược lại hệ thống làm mát.

Nếu nước làm mát bị cạn, động cơ sẽ bị quá nóng, dẫn đến các chi tiết hỏng hóc và làm mất tác dụng của dầu bôi trơn. Do đó, chủ xe cần thường xuyên kiểm tra nhằm đảm bảo nước làm mát trong bình nước phụ luôn nằm ở giữa 2 mức "Full" và "Low" khi động cơ đang nguội.

Nếu thấy mực nước làm mát trong bình nước phụ thấp hơn mức "Low", bạn mở nắp bình nước phụ và nắp két nước để châm thêm nước. Nếu xe không có bình nước phụ, bạn có thể mở nắp két nước làm mát và kiểm tra lượng nước trong đó để châm thêm khi cần.

Bình nước phụ trên ô tô

Bình nước phụ trên ô tô

Trên thị trường hiện nay, có 3 loại nước làm mát động cơ chính, bao gồm nước làm mát màu xanh lá, màu hồng và màu đỏ. Mỗi loại nước làm mát ô tô này đều có chỉ số riêng về nhiệt độ đóng cặn hay nhiệt độ sôi.

  • Nước làm mát ô tô màu đỏ (LLC): Là loại nước làm mát được pha trộn với nước tinh khiết theo tỷ lệ 50:50. Chúng được khuyến nghị thay sau 5 năm hoặc sau 80.000 km đầu. Các lần tiếp theo có thể thay sau mỗi 40.000 km chạy.
  • Nước làm mát ô tô màu hồng (SLLC): Đây là loại nước làm mát tuổi thọ cao hơn và không cần pha với nước tinh khiết. Loại nước này được đổ trực tiếp vào bình và được khuyến nghị thay sau khi chạy 160.000 km ở lần đầu tiên. Các lần tiếp theo nên được thay sau 80.000 km.
  • Nước làm mát ô tô màu xanh lá: Là loại không cần pha trộn mà đổ trực tiếp. Loại nước làm mát này được khuyến nghị nên thay sau mỗi 2 năm sử dụng.
Nước làm mát ô tô có thể có màu xanh lá, xanh đậm, đỏ hay hồng

Nước làm mát ô tô có thể có màu xanh lá, xanh đậm, đỏ hay hồng

Cách thay nước làm mát ô tô

Bước 1: Trước tiên, bạn cần tìm vị trí bình nước làm mát và tháo nắp đậy bình.

Bước 2: Thêm hỗn hợp pha trộn giữa nước làm mát động cơ và nước cất theo tỷ lệ 50:50 vào bình nước làm mát. Đổ dung dịch này vào đầy bình nước phụ nhưng không quá vạch "Full".

Bước 3: Mở nắp bình, cho động cơ chạy tới khi dung dịch sủi bọt khí. Lúc này, mực nước sẽ giảm dần và xuất hiện những bóng khí trên bề mặt.

Bước 4: Đổ dung dịch đầy bình nước phụ lẫn bình nước làm mát rồi đậy nắp bình.

Lưu ý khi thay nước làm mát động cơ:

- Tuyệt đối không mở nắp bình nước làm mát khi động cơ còn đang nóng. Khi động cơ nóng, nhiệt độ và áp suất bên trong hệ thống làm mát rất cao. Nếu mở nắp bình nước làm mát khi động cơ nóng, nước nóng sẽ bắn ra ngoài và có thể gây bỏng. Đợi đến khi động cơ nguội hẳn rồi mới mở nắp bình nước làm mát.

- Chỉ sử dụng loại nước làm mát theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Không nên sử dụng thêm các phụ gia làm mát vì chúng có thể khiến xe bị hỏng và bạn sẽ không được hưởng chính sách bảo hành của hãng.

- Không dùng nước lọc, nước khoáng đóng chai hay nước sinh hoạt thay cho nước làm mát chuyên dụng vì chúng chứa nhiều tạp chất. Ở nhiệt độ cao, các loại nước này có thể gây đóng cặn trong bình nước làm mát. Nhưng nếu trong trường hợp khẩn cấp hay ở những nơi xa xôi hẻo lánh, không có nước làm mát chuyên dụng, bạn có thể dùng tạm nước thường để xe có thể tiếp tục di chuyển. Sau đó, cần nhanh chóng đưa xe vào garage để vệ sinh, thông rửa, súc két nước và thay thế dung dịch nước làm mát chuyên dụng để đảm bảo hiệu suất cũng như tuổi thọ của động cơ.

- Không nên trộn các loại nước làm mát với nhau. Nên dùng nước làm mát cùng màu với loại nước làm mát mà xe của bạn đang sử dụng.

Không mở nắp bình nước làm mát khi động cơ còn nóng

Không mở nắp bình nước làm mát khi động cơ còn nóng

Đánh giá: