menu

Hướng dẫn 8 cách sửa chữa xe ô tô đơn giản dành cho tài xế mới

15:49 - 28/02/2023

Để có những cách sửa chữa xe ô tô đối với những lỗi hư hỏng vặt như thay lốp, bình ắc quy, bóng đèn,... Hãy cùng tham khảo hướng dẫn cụ thể sau đây.

Trong suốt quá trình sử dụng xe, bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề hỏng hóc, đơn giản như thủng lốp, hết ắc quy, cháy bóng đèn,... Dưới đây chúng tôi sẽ gửi đến bạn 8 nguyên nhân phổ biến nhất mà những người sử dụng xe thường gặp phải. Cùng với đó là cách sửa chữa xe ô tô đơn giản giúp bạn có thể khắc phục tại nhà.

Thay lốp xe ô tô

Tài xế nào cũng phải nắm vững những thao tác sửa chữa xe ô tô cơ bản như thay lốp xe khi chẳng may lốp bị mòn, nổ lốp đột ngột, nứt lốp,… Nắm bắt những kỹ năng thay lốp có thể giúp bạn tự tin chạy những hành trình dài và không có những nơi sửa chữa chuyên nghiệp như trong thành phố.

8 cách sửa chữa ô tô đơn giản mà tài xế nào cũng nên biết

Thao tác thay lốp xe khá đơn giản với tài xế.

Thao tác để thay lốp xe khá đơn giản, ngay cả những tài xế nữ cũng có thể thực hiện được. Trước tiên, bạn cần di chuyển đến một vị trí bằng phẳng nhằm thuận tiện cho việc sửa chữa. Tiếp đến, bạn dùng đá, bê tông, hoặc lốp dự phòng để chặn lốp trước và sau.

Sau đó, bạn lấy dụng cụ sửa xe dự phòng như lốp dự phòng và kích xe, tháo nắp chụp trục bánh xe và nới các ốc bằng cách quay ngược chiều kim đồng hồ. Nâng kích để nhấc bánh xe khỏi mặt đất và tháo tất cả các ốc ra. Cuối cùng là lắp lốp xe mới vào và xoay thật chặt các ốc.

Thay bình ắc quy

Đầu tiên, bạn cần xác định vị trí của bình. Nó thường được đặt ở khoang động cơ, tuy nhiên trên một số dòng xe châu Âu như Mercedes hay BMW thì ắc quy ô tô thường đặt trong cốp xe hoặc dưới ghế sau. Bạn chỉ cần lật bằng ghế lên để tiến hành thay thế bình mới. Dụng cụ cơ bản cho quá trình sửa chữa ô tô này gồm bộ cờ lê hoặc túp tháo, giẻ lau, giấy nhám hoặc bàn chải để vệ sinh cọc bình.

8 cách sửa chữa ô tô đơn giản mà tài xế nào cũng nên biết

Thao tác thay bình ắc quy khi hỏng

Bạn tháo cực âm ắc quy ra trước để tránh chạm chập. Lưu ý không tháo cực dương trước vì có thể bị quẹt cờ lê ra thân xe, trong khi toàn bộ thân xe lại là điện mát được nối với cực âm ắc quy. Sau khi đã tháo cả hai cực âm và cực dương, bạn cần tháo giá bắt cố định bình ắc quy. Giá bắt có thể được lắp ở dưới chân bình hoặc có thể bắt quàng qua thân bình. Trước khi đổi sang bình mới, bạn cần chắc chắn đã ghi nhớ vị trí cực âm và dương để khi lắp bình mới vào không bị nhầm lẫn gây hư hỏng cho hệ thống điện trên xe.

Đặt bình ắc quy mới vào đúng vị trí. Khi thấy kẹp cọc bình hay ốc bắt bị gỉ sét thì hãy vệ sinh sạch sẽ hoặc thay mới để đảm bảo khả năng tiếp xúc tốt. Cuối cùng, bạn lắp lại giá bắt cố định bình, lắp cực dương trước cực âm và khởi động động cơ để kiểm tra. Hãy quan sát đèn cảnh báo hình ắc quy màu đỏ trên bảng táp lô. Nếu hình này không sáng tức là hệ thống sạc đã hoạt động tốt.

Thay lưỡi gạt nước mưa

8 cách sửa chữa ô tô đơn giản mà tài xế nào cũng nên biết

Gạt lưỡi nước mưa có tuổi thọ khá ngắn

Tuổi thọ của lưỡi gạt nước mưa khá ngắn. Chi tiết này chỉ nên sử dụng trong vài tháng và cần thay mới để đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho những chuyến đi. Trước khi thay mới, bạn cần chắc chắn đã chọn đúng loại cần gạt phù hợp với xe của mình. Bạn có thể liên hệ đến các đại lý bán lẻ trực tuyến để tìm ra lưỡi gạt mưa phù hợp với năm và model xe.

Hãy nhấc thanh nối lưỡi gạt (phần nối với chiếc xe) và tháo bỏ lưỡi gạt cũ. Cách lắp lưỡi gạt mới phổ biến nhất chính là xoay lưỡi gạt vuông góc với thanh nối và đẩy xuống. Trường hợp không thể thay, bạn nên đọc chỉ dẫn đi kèm lưỡi gạt mới, tìm hình vẽ minh họa và thực hiện ngược lại chỉ dẫn. 

Xử lý các vết lõm

Bạn có thể tự sửa chữa những vết lõm ở cản trước, sau bằng cách rót nước sôi lên những vị trí bị lõm. Tiếp đến dùng búa cao su để gõ phần bị móp ra. Lưu ý, cách này chỉ có thể hiệu quả với những vết móp bằng nhựa. Đối với những phần cứng hơn, bạn cần nhờ đến đội sửa chữa ô tô chuyên nghiệp.

Ổ khóa bị kẹt

Ổ khóa dùng lâu ngày có thể bị rỉ sét và ăn mòn dẫn đến xuất hiện những mạt sắt nhỏ bên trong và làm nó bị kẹt khi tra chìa khóa vào. Lúc này, bạn chỉ cần dùng dầu bôi trơn và phun vào trong ổ khóa để loại bỏ các mạt sắt. Dùng thêm bình xịt khí nén để làm khô. Cuối cùng tra thử chìa khóa và xoay thử.

8 cách sửa chữa ô tô đơn giản mà tài xế nào cũng nên biết

Tránh kẹt ổ khóa bằng cách dùng dầu bôi trơn

Thay bộ lọc gió

Kỹ thuật thay bộ lọc gió khá đơn giản trong những cách sửa chữa xe ô tô, bạn có thể tự thực hiện ở bất cứ đâu nhằm hạn chế sự hao mòn cho các bộ phận của xe, giúp động cơ hoạt động tốt hơn. Bạn chỉ cần chuẩn bị một tuốc nơ vít, một bộ lọc gió mới và một miếng giẻ sạch để lau chùi tay trước khi thực hiện.

Bạn mở nắp capo và tìm bộ lọc gió. Thông thường, trên những chiếc xe hiện đại, bộ lọc gió sẽ có kích thước tương đương 1 ổ bánh mì và được bọc trong một hộp nhựa màu đen. Bạn có thể tham khảo thêm từ sổ tay hướng dẫn sửa chữa ô tô để tìm đúng bộ lọc gió trên xe của mình.

Dùng tuốc nơ vít đầu dẹt để mở chốt khóa hoặc tháo các đinh vít nếu có trên bộ lọc gió. Quan sát kỹ bộ lọc trước khi quyết định thay mới. Bởi hầu hết bộ lọc gió đều có thể hoạt động tốt trong quảng đường khoảng 48.000 km. Trường hợp lắc nhẹ và thấy có bụi thì bạn cần thay bộ lọc gió mới. Đặt cẩn thận bộ lọc gió vào đúng vị trí ban đầu và khóa chốt hoặc cố định bằng đinh vít vừa tháo.

Xử lý các vết rỉ sét

Bề mặt xe xuất hiện những vết rỉ sét, dù rất nhỏ cũng khiến bạn cảm thấy khó chịu về mặt thẩm mỹ. Để loại bỏ chúng, bạn chỉ cần dùng đến miếng len thép được nhúng vào dầu hỏa, chà lên các vết rỉ sét nhỏ. Cuối cùng là dùng khăn thấm nước để rửa bề mặt có chứa vết rỉ sét là xong.

Loại bỏ các miếng dán

Những miếng dán hay decal có thể xuất hiện trên xe sau những dịp đặc biệt hay trên những chiếc xe làm dịch vụ. Để loại bỏ chúng, bạn có thể dùng dầu ăn hoặc dấm để thấm lên miếng dán. Sau đó, bóc miếng dán từ từ ra khỏi bề mặt xe. Cuối cùng là dùng dao cạo để loại bỏ vết keo còn sót lại. Chú ý nhẹ tay để không làm xước sơn xe.

Đánh giá: