menu

Những điều có thể bạn chưa biết về lốp máy bay

Hải Yến 14:26 - 16/02/2019

Lốp máy bay luôn được thiết kế đặc biệt và có các tiêu chuẩn về áp suất, cách vận hành khác hẳn so với lốp xe thông thường.

Nhiều người cho rằng lốp máy bay sẽ cần có những tiêu chuẩn đặc biệt khắt khe để có thể đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến bay với hàng trăm sinh mạng ở bên trong. Quả đúng như vậy, những chiếc lốp chuyên dụng dành riêng cho máy bay luôn được thiết kế đặc biệt và có các tiêu chuẩn về áp suất, cách vận hành khác hẳn so với lốp xe thông thường.

Trước tiên, về mặt kích thước, lốp máy bay nhìn có vẻ khá nhỏ bé nếu so với tổng kích thước của một chiếc máy bay. Tuy nhiên, trên thực tế lốp máy bay lại to hơn nếu so sánh với lốp ô tô thông thường. Ví dụ như bộ lốp của một chiếc máy bay Boeing 737 có kích thước tới 27/7,75-R15 được tính theo đơn vị inch. Có nghĩa là lốp của máy bay Boeing 737 có đường kính 685,8 mm, bản rộng 196,85 mm và bộ vành kích thước 381 mm.

Cấu tạo lốp máy bay của hãng Michelin.

Cấu tạo lốp máy bay của hãng Michelin

Sẽ có một câu hỏi được đặt ra là: "Vì sao lốp máy bay không bị nổ khi hạ cánh bởi trọng lượng và tốc độ mà chúng phải chịu khi tiếp đất?". Câu trả lời rất đơn giản và nằm ở 3 yếu tố.

Thứ nhất, áp suất của lốp máy bay rất lớn, thường từ khoảng 200 psi trở lên tuỳ theo loại máy bay và gấp 6 lần áp suất lốp ô tô thông thường. Thứ hai, mỗi chiếc lốp máy bay có khả năng chịu tải trung bình là 38 tấn. Mỗi chiếc máy bay sẽ có từ 14, 22 cho đến 32 lốp tuỳ theo kích thước, chủng loại nên việc chịu tải sẽ được san sẻ cho mỗi chiếc lốp.Thứ ba, thiết kế bố lốp và vân lốp của lốp máy bay cũng rất đặc biệt với các vân dọc trơn trong khi các lớp liên kết bên dưới được chế tạo từ vật liệu bền bỉ như sợi nylon hoặc sợi aramid. Ba điều này giúp cho những chiếc lốp máy bay có thể chịu tải tốt, hoạt động bền bỉ và có thể sử dụng 500 lần trước khi phải thay thế.

Khi hạ cánh, lốp máy bay sẽ trượt trên đường băng trước khi bắt đầu lăn.

Khi hạ cánh, lốp máy bay sẽ trượt trên đường băng trước khi bắt đầu lăn.

Để đảm bảo thêm an toàn cho lốp máy bay, khí được bơm vào lốp sẽ là khí trơ như ni-tơ để giảm thiểu sự tăng giảm áp suất lốp do nhiệt độ. Ngoài ra, theo quy định của ngành hành không, một chiếc lốp máy bay đạt chuẩn phải chịu được áp suất gấp 4 lần mức ghi trên lốp trong thời gian tối thiểu là ba giây.

Trong thực tế sử dụng, khi máy bay hạ cánh, chúng ta có thể dễ dàng thấy có khói bốc lên khi lốp máy bay tiếp đất. Lý giải cho điều này, các chuyên gia hàng không cho biết, khi máy bay hạ cánh, lốp xe sẽ không lăn ngay khi chạm đất mà sẽ trượt trên đường băng. Chỉ khi nào tốc độ quay của lốp máy bay đồng nhất với tốc độ chuyển động của máy bay thì lốp xe máy bay mới bắt đầu xoay. Lốp máy bay cũng thường bị hao mòn nhiều nhất vào giai đoạn này.

Về lý thuyết, lốp máy bay có khả năng chịu tải tốt, độ bền cao nhưng thực tế vẫn có một số trường hợp xảy ra hiện tượng nổ lốp. Theo các chuyên gia hàng không, lốp máy bay chỉ nên sử dụng 500 lần và thay thế nếu không sự mài mòn do tiếp xúc với đường băng sẽ không còn đảm bảo an toàn nữa. Thêm vào đó, nếu lốp của máy bay bị bơm quá căng hoặc quá non cũng đều có thể là nguyên nhân dẫn đến việc nổ lốp máy bay khi tiếp đất.

Trên thế giới và tại Việt Nam đã từng xảy ra những trường hộp lốp máy bay  bị nổ khi hạ cánh.

Trên thế giới và tại Việt Nam đã từng xảy ra những trường hợp lốp máy bay bị nổ khi hạ cánh.

Mặc dù nổ lốp máy bay là một tai nạn khá hạn hữu nhưng trong thực tế đã có không ít những sự việc như vậy xảy ra trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam. Do vậy, yêu cầu an toàn hàng không sẽ càng cần được siết chặt hơn để giảm tối đa những nguy cơ gây mất an toàn bay.

Hải Yến
Đánh giá: