menu

Từ hôm nay, 15/1/2020, người dân chính thức được ghi hình, ghi âm CSGT làm nhiệm vụ

12:01 - 15/01/2020

Theo Thông tư 67/2019 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày hôm nay, 15/1/2020, người dân không chỉ được ghi hình, ghi âm CSGT làm nhiệm vụ mà còn có quyền xem kế hoạch tuần tra, kiểm soát và chuyên đề của CSGT.

Từ hôm nay, ngày 15/1/2020, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đã chính thức có hiệu lực. Trong Thông tư này, có một số quy định đáng chú ý như sau.

Người dân được ghi hình, ghi âm CSGT làm nhiệm vụ

Theo Thông tư 67/2019, người dân có quyền giám sát lực lượng Công an nhân dân, bao gồm Cảnh sát giao thông (CSGT), đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Người dân sẽ có 5 hình thức giám sát lực lượng Công an nhân dân làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, như sau:

- Giám sát thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

- Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Đây là lần đầu tiên Bộ Công an có quy định chi tiết về hình thức giám sát này.

Từ ngày 15/1/2020, người dân được ghi hình, ghi âm CSGT làm nhiệm vụ

Từ ngày 15/1/2020, người dân được ghi hình, ghi âm CSGT làm nhiệm vụ (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Thông tư 67/2019 cũng quy định rõ, việc giám sát CSGT phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ. Riêng với hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp thì phải ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông).

Cụ thể hơn, khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự. Dây căng là dây có nền màu đỏ, chiều rộng từ 5 - 10cm, trên dây có in dòng chữ “KHU VỰC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG” màu vàng. Người dân sẽ được quyền giám sát CSGT ngoài khu vực đặt cọc tiêu hoặc dây căng.

Người dân có quyền xem kế hoạch tuần tra, kiểm soát và chuyên đề của CSGT

Tại Mục 1, Điều 5, Chương II Thông tư 67/2019 quy định rõ CSGT phải công khai kế hoạch, chuyên đề và công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Theo đó, CSGT phải công khai 5 mục sau:

- Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

- Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

- Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định.

- Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị, tuyến đường, các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý, thời gian thực hiện.

- Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

5 hình thức công khai của CSGT:

1. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

2. Đăng Công báo.

3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

5. Thông qua việc tiếp công dân, họp báo; thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Lan Quyên

Đánh giá: